Một thoáng Quảng Nam

Hôm nay (Chủ Nhật 1/10), nhân một ngày nghỉ, tôi và vài bạn đi Quảng Nam. Trước hết là ghé qua mộ ông Nguyễn Bá Thanh, kế đến là tượng “Mẹ Việt Nam anh hùng” (mà báo chí từng đề cập nhiều lần), và quan trọng nhất là viếng thăm nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh.


Khu mộ ông Nguyễn Bá Thanh thật ra là nằm bên cạnh một nghĩa địa xã. Nhưng vì sự hoành tráng và tính trang trọng nên khu mộ ông trông rất nổi bật. Khu mộ có nhà lưu niệm với những hình ảnh và hiện vật trong quá trình trưởng thành và chấp chính của ông Thanh. Có cả tấm bia ghi những câu phát biểu nổi tiếng làm nên tên tuổi Nguyễn Bá Thanh. Nhưng cách chọn màu vàng trên nền đá thì phải nói là quá tệ, vì rất khó đọc. Chẳng biết ai chọn kiểu thiết kế này, nhưng rõ ràng đó là một lựa chọn kém thông minh.



Dĩ nhiên, ông Thanh là một nhân vật “controversial”, nhiều người mến mộ, nhưng cũng có những người chỉ trích. Nhưng có thể nói mà không sợ sai rằng đa số dân Đà Nẵng, từ trí thức đến lao động, đều ghi nhận rằng ông Thanh có công hoán chuyển Đà Nẵng từ một đô thị bình thường thành một thành phố hiện đại như ngày nay. Nghe những câu chuyện của những người từng tiếp xúc ông mới thấy ông là một nhà lãnh đạo có viễn kiến tốt và muốn làm những điều có phúc lợi cho dân chúng thật sự. Nói theo ngôn ngữ ngày nay ông là một “mover and shaker” hay một “game changer”. Nhưng cũng có thể nói rằng ông là một “benevolent dictator” của Việt Nam.

Quảng Nam là nơi “ác liệt” trong thời chiến. Tỉnh này có nhiều “bà mẹ anh hùng” nhất nước. Mỗi “bà mẹ anh hùng” thường có ít nhất 4 người con hay chồng bị chết trong thời chiến. Có lẽ tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Thứ; bà có 12 người trong gia đình (9 con trai, 2 cháu ngoại, và con rể) bị chết trong thời chiến. Dĩ nhiên, đó chỉ mới một bên, chưa tính bên VNCH mà con số bà mẹ có con chết chắc cũng nhiều. Thành ra, cái danh hiệu “anh hùng” ở đây được tính trên xác người, chứ không phải chuyện tầm thường. Khu tượng đài được xây (nghe nói với cái giá 400 tỉ đồng, tức gần 20 triệu USD) là để vinh danh (?) mẹ Thứ, nhưng nếu là tượng đài có ý nghĩa hơn thì nên khắc tên tất cả bà mẹ có con chết trong thời chiến.

Quần thể tượng đài mẹ Thứ lớn hơn khu mộ ông NBT nhưng không có để lại ấn tượng gì đặc biệt. Toàn bộ khu tượng đài là một quảng trường nhỏ, gồm bãi đậu xe, những cây cột tượng, và tượng đài. Những cây cột tượng có vẻ làm lu mờ bức tượng chính. Mô típ thiết kế không mang dấu ấn dân tộc, mà đậm chất Liên Xô cũ, với những khối xi măng và khối đá thật lớn, màu u ám, trông đe doạ hơn là thân thiện. Toàn bộ khu tượng đài không có bóng cây lớn, chẳng có băng ghế ngồi, nên rất nóng trong cái nắng cháy da ở miền Trung. Không biết ngày thường thì lượng du khách ra sao, nhưng lúc chúng tôi đến thì không có ai cả, bãi đậu xe trống trơn. Tượng đài hình như đang được trùng tu, nhưng người ta ghi dòng chữ rất mất văn hoá:

“Vệ sinh tượng khắc phục cơn bão số 10”!





Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh thì rất khiêm tốn so với tượng đài “mẹ VN anh hùng”. Đường vào nhà lưu niệm cụ PCT là đường ngoằn ngoèo, rất tiêu biểu đường làng ở miền Trung. Phải nhờ Google mới tìm được đường chính xác, vì hỏi cư dân ở đây chẳng ai biết ông Phan Châu Trinh là ai, càng chẳng ai biết nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở đâu, dù họ sống cách đó chỉ 3-5 cây số! Tình trạng này cũng giống như các danh nhân văn hoá khác bị lu mờ bởi cuộc sống xô bồ và quên lịch sử ngay trên chính quê hương mình. Họ sống ở đó nhưng không hề biết một nhân vật văn hoá kiệt xuất của quê họ.

Nhà lưu niệm cụ Phan là một căn nhà nhỏ, khiêm tốn nằm đằng sau và bị bao bọc bởi những nhà dân cư ọp ẹp chung quanh. Cư dân nói chung là nghèo, nên toàn cảnh quan trông rất thảm thương. Đường vào nhà lưu niệm được lót đá lớn, và có một cái poster dài in chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của ông. Ít ai đến đây, nên cổng nhà thường được khoá kín, và ống khoá thì đã rỉ sét. Khi tôi tới nơi, phải nhờ một ông cụ đến mở cổng để vào trong tham quan và thắp nhang. Phía trong nhà lưu niệm là vài dòng hết sức ngắn về tiểu sử (cố nhiên không nói gì về mối liên hệ giữa cụ Phan và ông Hồ) cùng những hình ảnh về hoạt động của ông lúc sinh tiền. Nói chung, nhà lưu niệm cụ Phan rất sơ sài, hình ảnh thì kém phẩm chất, rời rạc, không nói lên được cái viễn kiến tuyệt vời và chủ trương của ông trong đấu tranh chống Pháp.


.





Trên đường về Đà Nẵng định ghé qua nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng trời chiều xuống nhanh quá nên tôi đành hẹn dịp sau. Tuy nhiên, anh bạn tôi ghé thăm một bệnh nhân (ở gần nhà lưu niệm cụ Phan), và thế là bị bệnh nhân “bắt cóc” nhậu. Món gà ta và thịt heo nướng thiệt là ngon. Buổi chiều đồng quê, gió hiu hiu, ngồi nhâm nhi lon bia và dĩa thịt gà thì chỉ có thể nói là “thần tiên”. Người xứ Quảng vùng quê hết sức thân thiện, quí khách, nhưng họ có một giọng và cách nói rất khó nghe. Tôi phải chú ý và vận dụng vốn liếng từ vựng xứ Nẫu để hiểu họ nói gì, nhưng thỉnh thoảng vẫn hiểu sai. Chẳng hạn như họ có thói quen phát âm chữ “gà” thành “goà”, nên nghe nói “làm con goà” tôi phải định tâm một vài giây để hiểu làm gì.

Nói tóm lại, tôi đã có một ngày nghỉ cuối tuần đầy ý nghĩa ở quê hương ông thủ tướng. Có dịp đi đây đó mới thấy đồng quê miền Trung vẫn còn nghèo lắm, đất đai cằn cỗi và nhỏ bé, nhà cửa nhỏ xíu. Dĩ nhiên, cũng có những căn nhà thật lớn (chắc là của các quan), nhưng con số đó chẳng bao nhiêu. Nhưng có cái hay là trường học ở đây đều to lớn và có vẻ nề nếp. Một điều nữa là nhìn những khuôn mặt của các em bé ở đây, trai cũng như gái dù là trong làng quê heo hút, nhưng em nào cũng toát lên ánh mắt sáng ngời và thông minh. Có lẽ vì thế mà vùng đất này đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO

Dịch vụ Thiết kế websiteDịch vụ seo CIP giúp cho thương hiệu của bạn tiếp cận thị trường online.