Nghe Khánh Ly ca ở Đà Nẵng (show nhạc "55 năm hát tình ca")

“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đó là một trong những lời ca trong chương trình ca nhạc “55 hát tình ca” của Khánh Ly tại Đà Nẵng. Khánh Ly cho biết đây là show nhạc sau cùng chị trình diễn ở Việt Nam, vì chị đã ở cái tuổi ‘thất thập cổ lai hi’ nên có thể không về VN trình diễn nữa. Kể ra thì tôi may mắn vì có cơ duyên nghe chị hát lần cuối trên quê hương.


Chương trình theo vé là bắt đầu vào lúc 8 pm, nhưng phải 15 phút sau thì mới bắt đầu. Khách ngồi gần như đầy khán phòng rạp hát Trưng Vương ở Đà Nẵng. Nhiều khách thưởng lãm là người có tuổi (như tôi), nhưng cũng có hơn 1/3 (tôi đoán) là những người trẻ tuổi. Thế mới biết “nhạc vàng” vẫn có sức hút mạnh ngay cả trong giới trẻ ở thế kỉ 21.


Vào chương trình Khánh Ly chầm chậm bước ra sân khấu (có lẽ do vấn đề khớp). Nhưng chị giữ cái composure rất tuyệt vời trước khán giả. Chị nói tự sự về sự nghiệp ca hát của chị. Tính đến nay, Khánh Ly đã ca hát 55 năm, và đó là chủ đề của show nhạc. Trong nền nhạc nhẹ và ảnh minh hoạ, Khánh Ly mặc áo dài màu vàng kể lại lần đầu chị xuất hiện trên sân khấu là lúc 9 tuổi trong một cuộc thi ca nhạc (nhưng không được ba mẹ cho phép), và thế là bị ba mẹ phạt nặng. Sau đó là cơ duyên gặp Trịnh Công Sơn (mà ai yêu nhạc cũng đều biết) và mở đầu cho sự nghiệp nghệ thuật sáng chói của chị.

Sau đó, chị “chiếm lĩnh” sân khấu suốt 3 giờ đồng hồ. Tôi thán phục cho khả năng thuyết phục khán giả của chị và sức khoẻ ở tuổi 72. Nhiều người nghĩ ở độ tuổi đó thì chắc chị “còn ca hát gì nữa”! Thật là sai lầm, và thật là tội nghiệp cho sự hiểu lầm kiểu assumed như thế. Ở tuổi 72 mà giọng hát của Khánh Ly vẫn như ở tuổi 20. Không sai một lời nhạc. Chẳng cần tờ giấy trên tay. Chẳng vấp một nốt nhạc.

Trước khi trình bày một bài ca, Khánh Ly tự giới thiệu và dẫn chuyện qua những câu chuyện, những cảm xúc, những kỉ niệm, nhưng suy tư về nhân tình thế thái. Khánh Ly không dùng sáo ngữ, nhưng một ca sĩ trong nước thì nói những câu cảm tính và sáo ngữ làm tôi nổi da gà. Sợ nhất cái “bệnh” sáo ngữ mà ý nghĩa thì chẳng dính dáng đến bài ca. Có sự tham gia diễn của ca sĩ Quang Thành, Kim Anh hát những bài của Lam Phương và Hoàng Thi Thơ rất sống động và hay.

Khánh Ly trình diễn những ca khúc của nhiều nhạc sĩ chứ không phải chỉ của Trịnh Công Sơn. Những ca khúc của Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên, Anh Bằng, Nguyễn Đình Toàn, v.v. Riêng các ca khúc của Trịnh Công Sơn chiếm gần phân nửa chương trình. Đó là những ca khúc quen thuộc như Diễm xưa, Ngày trở về, Bến xuân, Ru ta ngậm ngùi, Hạ trắng, Người già em bé, Bà mẹ Ô Lý, Giọt nước mắt cho quê hương, Ca dao của mẹ, Xin cho tôi, Chờ nhìn quê hương sáng chói. Những ai biết nhạc trước 1975 có lẽ nhận ra “hơi hám” của “Ca khúc Da Vàng” trong vài ca khúc trên, và đó là sự tiến bộ của Đà Nẵng, nơi chị ấy nói là “thành phố tử tế”. Tôi thấy bài nào chị ấy hát cũng hay và hát hết mình. Chị không làm phụ lòng khán giả dù chỉ một phút. Nếu có phê bình tôi chỉ hơi tiếc một điều là ban nhạc chơi chưa đạt. Có lúc tiếng đàn và trống lấn át tiếng ca.

Chẳng hiểu sao trong một phút giây thăng hoa nào đó, cái câu “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” cứ ám ảnh tôi. Tôi như người được đi một chuyến xe về miền quá khứ, nơi mà những ước vọng vang lên gần như mỗi ngày:

Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười

Hay như những chờ đợi:

Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo
Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im
Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền

Mà, cho đến nay, chúng ta vẫn còn chờ.

Mỗi ca khúc đều được minh hoạ bằng những thước phim ngắn làm nền trên mành ảnh. Điều thú vị là hình ảnh và phim làm nền cho sân khấu có cả trực thăng và xe jeep thời chiến tranh, những thước phim tản cư trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Hay nhất là hình nền có cả ca khúc “Ai trở về xứ Việt” gây cho tôi nhiều cảm xúc (nhưng tôi nghĩ đa số khán giả không biết hay không chú ý đến ca khúc này.)

Nói chung, chương trình ca nhạc “55 hát tình ca” của Khánh Ly tại Đà Nẵng là rất ấm cúng. Qua 180 phút, Khánh Ly đã thôi miên và đưa tôi và khán giả về miền kí ức với những ca khúc đầy ấp kỉ niệm và cảm xúc. Thành ra, khi nghe Khánh Ly nói đây là show nhạc giã từ sân khấu của chị, nhiều người thấy luyến tiếc, bồi hồi. Nghĩ đến ngày chúng ta sẽ không thấy Khánh Ly trên sân khấu, thì quả là một khoảng trống nghệ thuật rất lớn. Việt Nam sẽ không có một Khánh Ly thứ hai — dĩ nhiên. Âm nhạc Việt Nam sẽ vắng tiếng hát liêu trai đầy truyền cảm. Người mộ điệu sẽ không còn nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát thôi miên của Khánh Ly. Nhưng Khánh Ly sẽ sống mãi trong lòng người mộ điệu nhạc Việt như là một huyền thoại.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ SEO

Dịch vụ Thiết kế websiteDịch vụ seo CIP giúp cho thương hiệu của bạn tiếp cận thị trường online.