Dự xong một hội nghị thường niên và có dịp nghe/xem tất cả các báo cáo tôi thấy có nghiên cứu y học ở VN cần phải thoát khỏi những vấn đề "truyền thống" và phương pháp thô sơ. Đó là những vấn đề rất cơ bản trong việc chọn đề tài, thiết kế nghiên cứu, cách phân tích, cách trình bày, thậm chí cách diễn giải. Những vấn đề này hiện diện từ cấp thầy cô, nghiên cứu sinh, đến bác sĩ nội trú.
Vấn đề chọn đề tài nghiên cứu
Có thể nói là tuyệt đại đa số đề tài nghiên cứu không có cái mới. Ngoại trừ 2 nghiên cứu về vi cấu trúc xương và pharmacocoeconomics, tất cả các nghiên cứu còn lại là những vấn đề như vitamin D, body composition, mật độ xương ở các bệnh nhân như tiểu đường, COPD, thận mãn tính đều không có cái mới. Thiếu cái mới trong ý tưởng, cái mới về cách tiếp cận, cái mới trong phân tích, cái mới trong cách trình bày và diễn giải. Dĩ nhiên, chúng ta phải làm những đề tài "me too" để học hành, nhưng nếu ngay cả những đề tài loại này mà vẫn còn quá nhiều thiếu sót thì đó là điều phí thì giờ và công sức của nhiều người, kể cả của người làm. Một số đề tài khác thì mang tính thống kê mô tả hơn là nghiên cứu khoa học. Có vẻ như nhiều bạn chưa phân biệt được sự khác biệt giữa phân tích thống kê và nghiên cứu khoa học.
Vấn đề thiết kế nghiên cứu
Không nói ra thì nhiều bạn cũng đã đoán được là đa số đề tài nghiên cứu đều dựa vào mẫu thuận tiện hơn là có thiết kế có hệ thống. Có rất nhiều nhóm làm nghiên cứu trên đối tượng là bệnh nhân của bệnh viện (giống như lấy mẫu thuận tiện) mà không biết bệnh nhân có đồng thuận. Những tiêu chuẩn nhận vào và loại trừ chưa được xác định theo kiến thức về bệnh lí và sinh học, thành ra có khi kết quả khó diễn giải. Hầu hết các “nghiên cứu thuận tiện” này không có nhóm chứng nên kết quả rất khó hiểu. Đây là một vấn đề phổ biến nhất trong các nghiên cứu y học ở VN vì có lẽ người ta chưa nghĩ đến nhu cầu và ý nghĩa của nhóm chứng. Nếu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ loãng xương ở những người mắc bệnh tiểu đường là 40% thì con số đó chỉ là một thống kê, chứ không nói lên gì cả, càng chẳng có ý nghĩa lâm sàng. Có nghiên cứu có nhóm chứng nhưng được chọn tuỳ tiện nên kết quả càng khó hiểu. Nói chung, tôi thấy vấn đề thiết kế nghiên cứu và đo lường là điểm yếu nhất của các nghiên cứu trong hội nghị.
Vấn đề phân tích dữ liệu
Dữ liệu không tốt thì phân tích dữ liệu cũng cho ra kết quả không tốt. Dù vậy, đa số phân tích rất đơn giản và chủ yếu là mô tả. Mô tả tỉ lệ, trung bình, độ lệch chuẩn, v.v. mà chưa quan tâm đến khoảng tin cậy 95%. Cũng có vài phân tích tương quan, nhưng cách làm chưa đạt và chủ yếu là để cho máy tính làm. Chưa thấy phân tích đa biến. Một “bệnh” rất phổ biến là các em ấy chia nhóm các biến liên tục một cách tuỳ tiện. Ví dụ như độ tuổi thì chia thành nhiều nhóm theo 5 hay 10 tuổi tuỳ hứng. Cân nặng cũng chịu chung “số phận” bị cắt ra thành nhiều mảnh. Nhiều báo cáo mà tác giả trình bày hàng chục bảng số liệu cộng thêm hàng chục biểu đồ, làm cho khán giả mất tập trung và khó theo dõi. Điều đáng nói là các bảng biểu này rất đơn giản, và có thể giảm xuống còn chỉ 3 bảng biểu là đủ. Thế nhưng tác giả cứ mô tả hết biến này đến biến khác theo phân tích đơn biến, nên người xem không biết cái nào là chính và cái nào là phụ. Nói chung, phương pháp phân tích chưa được thiết kế có bài bản và bám sát mục tiêu nghiên cứu.
Vấn đề trình bày kết quả
Phần trình bày kết quả nghiên cứu cũng cần cải tiến, vì quá thô sơ và chủ yếu là thống kê. Như nói trên, các em ấy báo cáo quá nhiều bảng biểu đơn biến mà thiếu tập trung vào điểm chính. Vài nhận xét chung như sau:
• Bảng biểu thiếu tựa đề cho dễ hiểu;
• Con số trình bày quá nhiều số lẻ;
• Biểu đồ quá thô và đơn giản, vi phạm hầu như tất cả qui ước về soạn biểu đồ;
• Chọn màu sắc không thích hợp (như chữ màu đen trên nền màu xanh đậm);
• Chọn font chữ không thích hợp cho khán phòng;
• Cách nói: họ nói với slides thay vì nói với khán giả.
• Con số trình bày quá nhiều số lẻ;
• Biểu đồ quá thô và đơn giản, vi phạm hầu như tất cả qui ước về soạn biểu đồ;
• Chọn màu sắc không thích hợp (như chữ màu đen trên nền màu xanh đậm);
• Chọn font chữ không thích hợp cho khán phòng;
• Cách nói: họ nói với slides thay vì nói với khán giả.
Rất nhiều điểm khác cũng cần cải tiến. Không chỉ cách soạn báo cáo mà còn cách nói. Không phải chỉ mấy em trẻ mà ngay cả các bậc “trưởng lão” cũng cần phải cải tiến cách trình bày báo cáo khoa học.
Vấn đề diễn giải kết quả nghiên cứu
Tôi có cảm giác các báo cáo viên bị ám ảnh quá nhiều về số liệu thống kê và làm lu mờ ý nghĩa khoa học và ý nghĩa lâm sàng của nghiên cứu. Hầu hết các báo cáo viên chỉ nói về kết quả thống kê, như hệ số tương quan, trị số P, kiểm định Ki bình phương, vv mà không nói Ý NGHĨA của các kết quả này. Có báo cáo tôi không thấy effect size ở đâu mà chỉ thấy P<0 .05="" p="" v="">0.05 chi chít rất nhức mắt. Các bạn ấy chưa đặt kết quả phân tích thống kê trong bối cảnh lâm sàng. Tuyệt đại đa số báo cáo chỉ dừng ở “có ý nghĩa thống kê” mà không nói nó có ý nghĩa gì trong lâm sàng. Các bạn ấy chưa tự hỏi kết quả nghiên cứu của mình có phải do bias, confounder hay ngẫu nhiên. 0>
Do đó có nhiều hiểu lầm và lạc quan thái quá. Chẳng hạn như có nghiên cứu cho thấy một công cụ screening có độ nhậy là 90% và độ đặc hiệu là 40%, em ấy kết luận rằng công cụ này có thể ứng dụng trong lâm sàng. Nhưng em ấy không thấy rằng kết quả đó cũng cho thấy dương tính giả là 60%, và như thế thì chưa dùng trong lâm sàng được. Đó chỉ là một ca tiêu biểu, chứ trong thực tế thì nhiều ca lắm.
Nói tóm lại, chỉ qua một hội nghị loãng xương mà tôi có thể nhận dạng ra nhiều vấn đề. Những vấn đề nêu trên thật ra không chỉ hiện diện trong chuyên ngành xương, mà còn ở các chuyên ngành khác mà tôi có dịp tiếp xúc. Dù sao đi nữa thì chuyên ngành xương cũng chỉ là một “bộ lạc” nhỏ trong cái bộ lạc khoa học rộng lớn hơn, nên những vấn đề nêu trên cũng phản ảnh một phần bức tranh lớn của khoa học VN. Nêu ra vấn đề không phải để chê trách (hoàn toàn không) mà để biết được những khía cạnh chúng ta phải cải tiến để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.
Năng lực NCKH của ta không đến nỗi tệ nếu như các đồng nghiệp được huấn luyện có bài bản. Vấn đề là các bậc “trưởng lão” cần phải được huấn luyện lại, họ cần phải học về phương pháp nghiên cứu khoa học, chứ không nên giả định rằng mình đã là giáo sư hay phó giáo sư rồi nên đã biết hết rồi, không cần học nữa.
Có giáo sư có thể do mặc cảm nên không bao giờ theo học các lớp học về NCKH và thế là họ làm khổ đàn em. Điều này đúng vì có những em bác sĩ nội trú rất thông minh và chịu khó học hỏi, nhưng vì phụ thuộc vào đề tài của thầy cô nên họ cũng phải chịu chung số phận “low quality”. Có em thậm chí nói riêng với tôi rằng em biết đề tài của em chẳng có giá trị khoa học gì, nhưng vẫn phải làm theo ý của thầy cô! Có em đã có dịp so sánh các bài báo cáo trong hội nghị và quyết chí xin học bổng để đi học ở nước ngoài.
Tôi nghĩ nghiên cứu y học nếu muốn hội nhập quốc tế thì cần phải “thoát li” khỏi cách làm hiện nay. Thoát li khỏi những đề tài tủn mủn, ý tưởng quá cũ. Thoát li khỏi các mô hình “nghiên cứu thuận tiện.” Thoát li khỏi những ràng buộc của giáo điều thống kê và dịch tễ học cơ bản. Thoát khỏi cách diễn giải một chiều và chủ quan. Chỉ thoát li khỏi các vấn đề trên thì y học VN mới có cơ may đóng góp có ý nghĩa vào y văn thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét